Nhiều chủ đất đang ra sức “chiều” khách mua đất nền để có thể đẩy được hàng. Trái lại, ở phân khúc chung cư, một số chủ nhà lại tỏ ra “chảnh” khi giao dịch.
Nhiều chủ đất đang ra sức “chiều” khách mua đất nền để có thể đẩy được hàng. Trái lại, ở phân khúc chung cư, một số chủ nhà lại tỏ ra “chảnh” khi giao dịch.
Chủ đất ra sức "chiều" khách
Trong bối cảnh hiện nay, đất nền tại nhiều khu vực đã có xu hướng giảm nhiệt, thậm chí nhiều khu vực dù cắt lỗ những vẫn khó bán. Không ít chủ đất trước sức ép tài chính, để bán được hàng đã ra sức chiều khách.
Anh Hà Đức, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội, rao bán mảnh đất tại Thanh Oai (Hà Nội), diện tích 120m2, suốt 6 tháng nay nhưng vẫn chưa có người mua. Anh Đức cho biết, mảnh đất này được anh mua từ cuối năm 2021, với mức giá 3,5 tỷ đồng, tương đương gần 30 triệu đồng/m2, trong đó, có 1,5 tỷ đồng là vay ngân hàng.
Ban đầu, anh dự tính sẽ giữ trong vòng 1 năm rồi bán ra kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, mọi toan tính của nhà đầu tư này đổ vỡ khi thị trường "quay xe" hạ nhiệt, nhiều khu vực đã giảm giá. Trước áp lực sợ thị trường đi xuống sẽ gánh nợ còng lưng, nên từ tháng 5 anh Thanh đã bắt đầu rao bán mảnh đất.
"Tôi đã điều chỉnh giá bán đến 3 lần, mỗi lần hàng trăm triệu đồng, bây giờ rao bán với giá 2,8 tỷ đồng, như vậy tôi đã lỗ 700 triệu đồng, nhưng vẫn chưa sang tay được chủ mới", anh Đức nói.
Việc giảm giá chưa hiệu quả, anh Đức còn cam kết, sẽ tìm cửa để người mua có thể lo vấn đề về tài chính, thậm chí, kéo dài thời gian giao dịch khoảng 2 - 3 tháng, nhưng số tiền cọc phải cao hơn bình thường.
Rao bán suốt 3 tháng, mảnh đất rộng 100m2, tại Bắc Giang của anh Nguyễn Tiến Anh, nhà đầu tư tại Hà Nội, mới đây cũng sang tay được chủ mới. "Để bán mảnh đất này tôi phải trao đổi với người mua đến 5 lần mới chốt được giá. Ban đầu tư 2,5 tỷ đồng, cuối cùng tôi chốt bán 2 tỷ đồng. Bây giờ thị trường chững rồi, nên để bán được hàng cũng phải cân nhắc giá người mua đề xuất", anh Tiến Anh nói.
Chủ nhà tỏ ra "chảnh" khi bán chung cư
Trong bối cảnh hiện nay, để bán được đất, không ít người đã phải chiều theo ý của khách hàng. Tuy nhiên, ở phân khúc chung cư, người bán lại tỏ ra chiếm thế thượng phong.
Đơn cử, trường hợp anh Kiên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, với mức tài chính khoảng gần 2 tỷ đồng. Anh tìm được một căn hộ tại Mỹ Đình, với diện tích 65m2, 2 phòng ngủ, giá 1,9 tỷ đồng, phù hợp với số tiền và nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, chỉ ngay hôm sau quay lại đặt cọc thì chủ nhà đã thay đổi giá lên 2 tỷ đồng và đặt ra đủ thứ yêu cầu.
"Chủ nhà yêu cầu, sau khi sang tên xong phải một tháng sau tôi mới được chuyển vào ở. Bên cạnh đó, chỉ trong vòng 1 tuần phải xuống tiền hết, trong khi các giao dịch thường sẽ là 1 tháng. Tiền của tôi không để yên một chỗ và phải huy động từ gia đình nên ít cũng phải cần 2 tuần để xoay sở. Nhưng vì căn nhà cũng vừa túi tiền nên tôi cũng đành chấp nhận", anh Kiên nói.
Theo anh Thanh Tùng, Giám đốc một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, hiện nay, nhu cầu ở thực rất lớn nên chung cư cũ tại nội thành được nhiều người săn đó. Theo đó, các chủ nhà tỏ ra "chảnh", ngoài việc tăng giá họ có thể đưa ra một số điều kiện đi kèm, nắm chắc phần lợi trong tay. Trong trường hợp người mua không đồng ý có thể sẽ bán ngay cho người khác được. Đặc biệt với chung cư cũ có giá quanh mức 2 tỷ đồng khá dễ bán.
"Một số người họ cũng không vội bán ngay vì mức giá vẫn có thể biến động tăng lên do nguồn cung thiếu. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, giá cho thuê chung cư cũng tăng mạnh nên một số người không cần bán gấp sẽ phân vân giữa việc cho thuê và bán", anh Tùng nói.
Trái lại, ở phân khúc đất nền, do không thể đưa vào khai thác sử dụng ngay nên việc cho thuê gần như là không thể. Bên cạnh đó, anh Tùng cho rằng, đây là phân khúc có tính đầu cơ cao. Nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nên khi thị trường chững lại, lãi suất ngân hàng tăng, những chủ đất ra sức chiều khách với mong muốn thoát hàng, tránh bị chôn vốn.
Thanh Phong
Nguồn: Tình cảnh trái ngang giữa chung cư và đất nền (cafef.vn)